Bệnh đốm trắng trên tôm: Nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng trị bệnh
  • Đăng vào 3/13/2024 4:07:15 PM

Bệnh đốm trắng trên tôm: Nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng trị bệnh

Bệnh đốm trắng

Hội Chứng Virus Đốm Trắng (White Spot Syndrome Virus - WSSV)

Virút gây hội chứng đốm trắng là giống mới Whispovirus thuộc họ mới là Nimaviridae. Vi-rút dạng hình trứng, kích thước 120 x 275 nm, có một đuôi phụ ở một đầu, kích thước 70 x 300 nm. Nhân có cấu trúc DNA dạng vòng với 2 chuỗi nucleotide và không có thể ẩn (Occlusion body), bộ gen 292.967 bp. Vi-rút có ít nhất 5 lớp protein với trọng lượng phân tử từ 15-28 kilodalton. Vỏ bao có có đường kính khoảng 120-150 nm và chiều dài 270-290 nm với 2 lớp protein VP28 và VP19, nucleocapsid có đường kính  65-70 nm, chiều dài 300-350 nm với 3 lớp VP26, VP24, VP15.

Xem thêm: Ảnh hưởng của nuôi ghép cá và tôm trong việc hạn chế bệnh gan tụy cấp AHPND/EMS

Virút gây hội chứng đốm trắng là giống mới Whispovirus
Virút gây hội chứng đốm trắng là giống mới Whispovirus

 

Triệu chứng

Triệu chứng của bệnh là tôm có rất nhiều đốm trắng kích thước 0,5-2,0 mm xuất hiện bên trong vỏ nhất là ở giáp đầu ngực, đốt bụng thứ 5, thứ 6 và lan toàn thân. Bên cạnh đó, tôm bệnh hoạt động kém, ăn nhiều đột ngột sau đó bỏ ăn, bơi lờ đờ ở mặt nước hay dạt vào bờ ao. Đôi khi tôm có dấu hiệu đỏ thân. Bệnh thường xuất hiện ở thời điểm 1-2 tháng sau khi thả nuôi, khi môi trường nuôi tôm xấu bệnh dễ xuất hiện. Khi các đốm trắng xuất hiện sau 3-10 ngày tôm chết hầu hết trong ao nuôi (100%), tỉ lệ chết cao và nhanh.

Tôm sắp chết do vi-rút đốm trắng có biểu hiện hủy hoại các mô trung bì và ngoại bì. Nhân của tế bào bị bệnh phình to và khi nhuộm màu với H&E sẽ nhìn thấy các thể vùi ở trung tâm bắt màu thuốc nhuộm kiềm từ nhạt đến sẫm được bao bởi chất nhiễm sắc. Những mô biểu hiện rõ nhất là mô ở lớp dưới cutin của dạ dày, giáp đầu ngực hoặc mô mang

Bệnh có thể lây truyền theo chiều dọc tức là virus đốm trắng (WSSV) từ bố mẹ truyền sang tôm con. Hoặc bệnh lây truyền theo chiều ngang tức là WSSV lây lan trực tiếp từ nước qua các vết thương tổn hay niêm mạc ống tiêu hóa. Tôm bố mẹ ăn giáp xác nhỏ có mang WSSV. Tôm có tập tính ăn đồng loại nên chúng có thể ăn các con tôm bệnh. Virus trong môi trường nước có thể lây trực tiếp cho tôm thẻ qua các tế bào biểu mô che phủ trên mang. Con bị nhiễm lây sang con chưa bị nhiễm khi nuôi chúng trong cùng ao.

Xem thêm: Bệnh tôm còi (tôm không lớn)

Triệu chứng của bệnh là tôm có rất nhiều đốm trắng kích thước 0,5-2,0 mm xuất hiện bên trong vỏ
Triệu chứng của bệnh là tôm có rất nhiều đốm trắng kích thước 0,5-2,0 mm xuất hiện bên trong vỏ

Phòng trị bệnh

Bệnh do virus gây ra nên hiện nay vẫn chưa có phương pháp chữa trị, vì vậy, người nuôi cần phải tăng cường các biện pháp phòng bệnh sau:

  • Thả tôm giống sạch bệnh (có chứng nhận kiểm dịch).

  • Hạn chế cấp nước trực tiếp vào ao nuôi, nên cấp qua ao lắng đã xử lý và nâng mực nước trong ao nuôi đạt 1,0 – 1,2 m.

  • Kiểm tra thường xuyên màu sắc, khả năng bắt mồi, tình trạng sức khỏe của tôm để kịp thời phát hiện và xử lý.

  • Cách ly ao nuôi với các tác nhân có thể lan truyền bệnh (giáp xác).

  • Bổ sung vitamin C vào ao hoặc thức ăn cho tôm.

  • Đối với ao tôm bệnh, người nuôi nên vớt tôm chết ra khỏi ao. Sau đó dùng Chlorin với liều lượng 30 kg/1.000 m3; hoặc formol 200 lít/1.000 m3 hòa nước tạt đều ao, ngâm 7 ngày rồi tiến hành xổ ra môi trường. Khi phát hiện bệnh tốt nhất là thu hoạch ngay để giảm thiệt hại.

Xem thêm: Kinh nghiệm điều trị bệnh phân trắng

Bổ sung vitamin C vào ao hoặc thức ăn cho tôm
Bổ sung vitamin C vào ao hoặc thức ăn cho tôm

Bệnh Đốm Trắng do vi khuẩn (Bacterial White Spot Syndrome – BWSS)

Vi khuẩn gây hội chứng đốm trắng một số nghiên cứu cho rằng có liên quan đến một số loài thuộc họ Bacillaceae.

Triệu chứng

Tôm sinh trưởng bình thường không có hiện tượng tôm chết. Tôm bệnh có các đốm trắng mờ đục nhìn thấy trên vỏ khắp cơ thể, khi bóc vỏ ra nhìn rõ hơn. Đốm trắng hình tròn nhỏ hơn đốm trắng của bệnh virus (WSSV). Soi mẫu tươi dưới kính hiển vi đốm trắng có dạng lan tỏa hình địa y ở giữa rỗng (có hiện tượng ăn mòn) khác với đốm trắng do virus có đốm đen (melanin) ở giữa. Các đốm trắng thường chỉ ở phía ngoài lớp biểu bì và tổ chức liên kết, ít nguy hiểm với tổ chức phía trong. Các đốm trắng này có thể mất khi tôm lột vỏ.

Xem thêm: Giải pháp phòng bệnh do vi bào tử trùng EHP gây ra trên tôm nước lợ

Tôm bị bệnh đốm trắng do vi khuẩn
Tôm bị bệnh đốm trắng do vi khuẩn
Vi khuẩn gây hội chứng đốm trắng
Vi khuẩn gây hội chứng đốm trắng

 

Phòng trị

Kiểm soát mật độ vi khuẩn trong nước ao nuôi tôm. Thường xuyên thay nước ao nuôi. Xác định vi khuẩn Bacillus subtilis trong chế phẩm vi sinh hạn chế dùng cho ao nuôi tôm, ngăn chặn chúng có liên quan đến bệnh đốm trắng do vi khuẩn. Ao đã nhiễm bệnh đốm trắng do vi khuẩn dùng vôi nung (CaO) bón cho ao liều lượng 25 ppm, để không làm tăng độ kiềm trong ao và tăng pH nhanh. Dùng một số khoáng vi lượng kích thích tôm lột vỏ sẽ giảm bớt các đốm trắng trên thân tôm.

Xem thêm: Phòng bệnh cho tôm bằng hệ thống an toàn sinh học

Bệnh Đốm Trắng Do Môi Trường

Tôm có đốm trắng ở vỏ đầu ngực hoặc phần vỏ ở sống lưng nhưng vẫn khoẻ mạnh, không có tôm tấp bờ, đàn tôm vẫn hoạt động và ăn đều ở mức bình thường, chu kỳ lột xác dài hơn bình thường và tôm sinh trưởng hơi chậm thì nguyên nhân bị đốm trắng là do môi trường chứ không phải là do vi-rút hay vi khuẩn. Khi độ cứng (Ca2+ và Mg2+) của nước cao, tôm sẽ hấp thu quá nhiều Ca2+ và Mg2+ làm xuất hiện trên vỏ những đốm trắng. Để khắc phục hiện tượng này có thể thay nước để làm giảm độ cứng, tránh bón vôi quá liều, cho tôm ăn đầy đủ chất dinh dưỡng kết hợp với biện pháp kích thích lột xác. Sau khi lột xác thì đốm trắng sẽ mất đi.

Xem thêm: Phương pháp xử lý bệnh phát sáng trong ao nuôi tôm

Tôm có đốm trắng ở vỏ đầu ngực hoặc phần vỏ ở sống lưng
Tôm có đốm trắng ở vỏ đầu ngực hoặc phần vỏ ở sống lưng 

Xem thêm:

Chia Sẻ Kiến Thức Này: Chia sẻ
Xin chào Anh/Chị. Em là trợ lý ảo của Sitto Việt Nam. Em có thể hỗ trợ Anh/Chị giải đáp các dịch vụ nào dưới đây:
Trợ lý ảo SITTO - VIET NAM
Bạn cần trợ giúp? Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ