Sau bão số 3 (Yagi), các loại cây trồng ở các tỉnh miền Bắc Việt Nam đã chịu thiệt hại nghiêm trọng, đặc biệt là các loại cây ăn trái và cây công nghiệp. Gió lớn và mưa kéo dài khiến nhiều cây bị bật gốc, gãy cành, rụng lá và mất trắng toàn bộ sản lượng quả. Tình trạng ngập lụt diện rộng kéo dài gây ảnh hưởng đến bộ rễ, bị thối rễ, khó phục hồi, thậm chí chết cây. Khi nước rút, trời nắng trở lại, cây trồng dễ bị hiện tượng sốc nhiệt, điều này thể hiện qua việc cây ủ rủ, vàng lá, rụng lá, nặng hơn là chết cây. Đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của bệnh hại, đặc biệt là nấm và các loại sâu bệnh. Do đó, việc cấp cứu cây trồng bị ngập lụt đòi hỏi những biện pháp chăm sóc đặc biệt để giúp cây nhanh chóng lấy lại sức sống, phục hồi sinh trưởng và tiếp tục cho năng suất.
Mỗi loại cây trồng có khả năng chịu ngập khác nhau, thường các loại cây ngắn ngày chịu úng kém hơn cây lâu năm. Ngập úng đã tác động đến quá trình trao đổi chất của cây trồng và đặc biệt là nhóm cây trồng cạn. Làm cho cây quang hợp và hô hấp kém, không thể hấp thu dinh dưỡng qua đường rễ và quang hợp qua đường lá để chuyển hóa dinh dưỡng nuôi cây.
Cây trồng bị suy kiệt và chết ngạt là vì đất bị bão hòa nước, gây thiếu Oxy vùng rễ lâu ngày do ngập nước và tạo lớp váng bề mặt dày sau khi nước rút. Oxy trong không khí không thể khuếch tán vào đất, rễ cây không thể lấy Oxy để hô hấp. Đất trồng bị thiếu oxy, ảnh hưởng đến áp suất thẩm thấu của rễ, cây trồng gặp khó khăn khi thực hiện quá trình trao đổi khí và hấp thụ các dưỡng chất.
Bị ngập nước kéo dài, sẽ gây ra hiện tượng hô hấp kỵ khí, là môi trường phát triển cho các vi sinh vật yếm khí sinh ra các chất độc hại đối với tế bào lông hút của rễ. Các vi sinh vật yếm khí này sẽ tạo ra Acid hữu cơ, CO2 và một số chất độc hại khác cho cây trồng, các lông hút trên rễ sẽ bị chết, rễ bị thối hỏng, không còn lấy được nước và các chất dinh dưỡng cho cây, làm cho cây thiếu chất, suy kiệt. Khi bị ngập lâu ngày rễ cây không còn khả năng phục hồi và cây sẽ chết.
Cây trồng mất sức đề kháng, khả năng chống chịu kém, làm phá hủy lớp vỏ rễ bên ngoài, tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm xâm nhập dễ dàng vào bên trong rễ gây hiện tượng thối rễ, làm cây trồng không thể hấp thu nước và dinh dưỡng nuôi cây, cây mất sức và nếu không khắc phục kịp thời cây sẽ chết.
Thời gian ngập lụt trên 2 ngày sẽ gây ra hiện tượng hô hấp kỵ khí, tạo điều kiện phát triển cho các vi sinh vật yếm khí sinh ra các chất độc hại đối với tế bào lông hút của rễ. Thực hiện ngay phương pháp sau:
Trong trường hợp lá vẫn còn xanh, đang mang quả thì nên cắt 1 phần hoặc tất cả để cứu cây.
Phun qua lá hỗn hợp vi sinh Rhodo Phos hoặc nước ép rau muống lên men, phun phủ lên lá 1 lớp mỏng và phun ít nhất 3 ngày/lần để hỗ trợ duy trì cây cho đến khi nước rút.
Sau khi nước rút, phải làm thoát hết nước trong vườn cây, vườn nào thấp dễ đọng nước nên đào mương, đánh rãnh để nước rút xuống càng nhanh càng tốt.
Tiến hành phá váng bằng cách dùng cào, cào nhẹ lớp đất bề mặt vừa khô, nứt nẻ để không khí đi xuống cung cấp oxy cho rễ hô hấp tốt hơn.
Trên đây là những chia sẻ đến bà con để xử lý và chăm sóc cây trồng sau lũ lụt nhằm giảm thiểu thiệt hại thấp nhất.
Phòng Kỹ thuật - Công ty TNHH Sitto Việt Nam
Đăng vào 18/09/2024 10:55:21 SA