Nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng trồng sầu riêng trên đất phèn là thất sách, nhưng nông dân rốn phèn Tây Nam bộ vẫn đổ xô trồng.
Theo TS Mai Thành Phụng - chuyên gia nông nghiệp, nông dân trồng sầu riêng trên đất phèn chỉ đi đến con đường phá sản. “Vấn đề là sau 5, 6 năm trồng tốt tươi, cây sầu riêng sẽ tự chết và vô phương cứu chữa”, TS Phụng khẳng định.
Xem thêm: Biện pháp hạn chế rụng hoa - rụng trái sầu riêng
Bất luận các chuyên gia nông nghiệp cảnh báo, nông dân miền Tây vẫn ồ ạt “kết duyên” sầu riêng với đất phèn bởi hấp lực về giá. Vườn sầu riêng trên đất phèn của anh Nguyễn Văn Dũng, ấp 3 (xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang).
Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện tỉnh có 13.000 ha sầu riêng, sản lượng 200.000 tấn/năm. Trong đó, khá nhiều diện tích trồng sầu riêng trồng trên đất phèn. Sở này cũng cho rằng, sầu riêng là một trong những loại cây mang lại giá trị kinh tế cao và tăng dần đều qua từng năm trên địa bàn tỉnh. Nếu như vào năm 2013 lợi nhuận của cây sầu riêng trên địa bàn tỉnh bình quân chỉ đạt 380 triệu đồng/ha/năm thì đến cuối năm 2018 đạt hơn 936 triệu đồng/ha/năm.
Theo kế hoạch của ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang, đến năm 2020 toàn tỉnh sẽ có khoảng 12.000 ha trồng sầu riêng, tập trung chủ yếu ở huyện Cai Lậy.
Trước đây xã Thanh Hòa (TX Cai Lậy) được xem là “thủ đô mít Thái” của Tiền Giang. Từ đất lúa, nhà nhà chuyển sang trồng mít và phất lên. Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều nông dân đốn mít chuyển sang trồng sầu riêng khi thấy giá loại trái cây này luôn ở mức tốt.
Do là đất phèn, nông dân tại đây buộc phải lên mô (ụ) theo quy cách 1,5mx1m để trồng sầu riêng. Dưới chân mô, nông dân đào rãnh sâu xung quanh rồi dùng lân để xả phèn. Với cách thức này, ông Đỗ Hiếu - một nông dân trồng sầu riêng (xã Thanh Hòa) cho biết, 3 năm trước gia đình ông đã trồng sầu riêng trên 6.000m2 đất với gần 150 gốc. “Hiện, sầu riêng sắp cho thu hoạch”, ông Hiếu thổ lộ.
Theo ông Phan Văn Nhanh - Phó Chủ tịch HND xã Thanh Hòa, khoảng 90% nông dân Thanh Hòa trồng sầu riêng. Hiện, xã có 185ha sầu riêng và sẽ còn phát triển tiếp. Trong khi đó, theo Sở NNPTNT tỉnh Long An, tại khu vực Đồng Tháp Mười phèn chua nặng, nông dân một số huyện, như: Vĩnh Hưng, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Mộc Hóa,... đã trồng hơn 100 ha sầu riêng. Ông Lê Văn Hậu (huyện Mộc Hóa) cho biết, năm 2015, ông thuê Kobe đào kênh, xổ phèn, tưới tiêu, đắp mô đất trồng khoảng 4ha sầu riêng giống Thái Lan và giống Mã Lai, với vốn đầu tư cải tạo đất và mua cây giống lên tới hơn 1,5 tỉ đồng.
Xem thêm: Bí quyết dưỡng xanh gai - xanh trái sầu riêng
Đến nay, có gần một nửa số cây sầu riêng đang đơm bông, kết trái. “Dự kiến chừng hơn năm nữa, tôi sẽ bắt đầu thu lãi từ sầu riêng, từ 200- 250 triệu đồng/ha/vụ”, ông Hậu nhẩm tính. Ông Nguyễn Chí Thiện - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An nhận định, diện tích một số loại cây ăn quả, trong đó có sầu riêng, đang có xu hướng tăng nhanh do nhiều địa phương chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng một số loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao hơn.
Song, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng là do người dân tự phát, không phải theo kế hoạch, quy hoạch của địa phương nên diện tích sản xuất nhỏ lẻ, manh mún không tập trung. Từ đó, dẫn đến khó khăn trong việc khuyến cáo, hướng dẫn sản xuất theo quy trình VietGAP, đăng ký cấp mã số vùng trồng, kêu gọi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Nhiều nông dân cho rằng, nếu trồng sầu riêng trên đất phèn, nông dân phải trồng trên mô, sẽ không lo chết cây.
Ông Võ Quang Huy - một nông dân đang trồng sầu riêng tại huyện Đức Huệ (rốn phèn Đồng Tháp Mười thuộc Long An) cho biết, tùy theo mức độ phèn, nếu làm đúng cách, cây sầu riêng trồng được trên đất phèn.
Thực tế, tại một số nơi ở Tiền Giang, nhiều nông dân trồng sầu riêng trên đất phèn hơn chục năm nay nhưng cây không chết. “Thậm chí, năng suất chẳng thua kém gì với ở Cù lao Ngũ Hiệp (vùng trồng sầu riêng tốt nhất miền Tây Nam bộ)”, lão nông Đỗ Hiếu (xã Thanh Hòa, Cai Lậy) khẳng định.
Theo ông Thiện, về lý thuyết thì không thể trồng sầu riêng trên đất phèn. Nhưng thực tế, hiện tại vùng Đồng Tháp Mười nông dân trồng sầu riêng rất tốt.
“Để tránh phèn cho cây, nông dân lấy lớp đất mặt lên mô, đào rãnh xung quanh, dùng lân xả phèn. Một số nông dân còn lót gạch dưới rễ cây để rễ không ăn đến lớp phèn dưới đất”, ông Thiện thông tin.
Vấn đề trồng theo kỹ thuật này, theo ông Thiện, có khả năng cây không đủ dinh dưỡng do mô đất khá nhỏ.
Ngoài ra, cũng chính mô đất cao và nhỏ nên cây sầu riêng trưởng thành cũng dễ ngã đổ khi trời có giông gió.
“Vừa rồi chúng tôi có đi khảo sát các vườn sầu riêng trồng ở Đồng Tháp Mười, thấy cây phát triển khá tốt. Phải chờ thêm thời gian nữa để có cơ sở đánh giá cho phép nông dân mở rộng diện tích hay dừng lại”, ông Thiện chia sẻ.
Một lãnh đạo Viện Cây ăn quả miền Nam cho rằng, trồng sầu riêng trên đất phèn rất khả dĩ. Theo ông, khi làm mô, nông dân ngoài việc lấy phần đất mặt giàu dinh dưỡng, nên lấy luôn phần đất sét giàu để tăng sức kết dính cho đất.
Về quan điểm có trồng được cây sầu riêng trên đất phèn và có được nên khuyến khích nông dân trồng sầu riêng ở Đồng Tháp Mười - vựa lúa miền Tây Nam Bộ, ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNN) khẳng định: “Nếu trồng cây sẽ chết”.
Ông Tùng còn cho biết thêm, không phải chỉ có yếu tố kỹ thuật, yếu tố xã hội cũng không bền vững nếu trồng sầu riêng ở Đồng Tháp Mười. “Đồng Tháp Mười thích hợp cho cây lúa, nếu trồng thêm cây ăn quả, như sầu riêng làm sao để có cơ chế điều tiết nước cho phù hợp”, ông Tùng nêu vấn đề.
Nguồn: tintucnongnghiep.com
Xem thêm:
Đăng vào 2/29/2024 4:54:54 PM