Cũng như các cây trồng khác, cây cam, quýt, bưởi chịu tác động nhiều từ dinh dưỡng, thiếu dinh dưỡng quả bị biến dạng, kém phẩm chất và giảm năng suất thương phẩm. Cây có múi cũng khá mẫn cảm với việc thừa dinh dưỡng có sẵn trong đất hoặc từ phân bón, nguồn nước tưới, đặc biệt là dư thừa dinh dưỡng đa lượng có thể làm tổn thương cây. Tuy nhiên, nếu nắm được kỹ thuật bón phân và chọn được phân bón tốt, nhà nông sẽ giảm thiểu được thiệt hại, gia tăng thêm quả ngọt và túi tiền vào cuối mỗi vụ.
Đạm là thành phần của amino acid, protein nucleic acid, nucleotide, coenzyme, hexoamines... Hai dạng đạm chính được cây hấp thụ từ đất là: nitrate (NO3-) và ammonium (NH4+). Trong thực tế sản xuất, nông dân cũng sử dụng các dạng phân hữu cơ dưới dạng các xác bã động vật, thực vật phân hủy cũng cho thấy cây sinh trưởng tốt và bền.
Đạm hấp thu và vận chuyển lên cây chịu ảnh hưởng bởi một số yếu tố: nhiệt độ đất, rễ, sức sống của cây và mức độ oxy trong đất. Sức sống của cây và gốc ghép cũng ảnh hưởng đến sự hấp thu đạm. Cây cam đắng có sức sống mạnh, hấp thu đạm nhiều hơn cây cam chua.
Triệu chứng thiếu đạm chủ yếu xảy ra trên lá, điển hình: lá có màu xanh vàng nhạt, sau đó chuyển sang màu vàng nhạt, chồi không mọc ra dài được và cành con có triệu chứng chết khô. Toàn bộ triệu chứng đều xuất hiện ở lá già. Lá rụng sớm hơn bình thường. Về mặt năng suất, vườn thiếu đạm làm cho năng suất giảm. Những cây thiếu đạm có trái nhỏ, nhạt màu, vỏ trái nhẵn, mỏng, dai.
Lân là thành phần của đường phosphate, nucleic acid, nucleotide, phospholipid, phytic acid, ATP, …Lân trong đất hiện diện ở hai dạng: vô cơ và hữu cơ. Dạng vơ cơ dưới dạng PO43-, HPO42-, H2PO4-. Hoạt tính hữu hiệu của lân cho cây được kiểm soát bởi 5 yếu tố:
Trường hợp pH của đất thấp, lân thường hiện diện dưới dạng H2PO4-. Khi pH của đất thấp thì ion Al3+ và Fe2+ kết tủa dễ dàng với lân tạo ra phosphat sắt và phosphat nhôm, dạng này không hữu hiệu cho cây. Trái lại, trong điều kiện pH đất quá cao thì có thể kết hợp với Ca2+ tạo Ca3(PO4)2 không hòa tan, cây không hấp thu được.
Lân rất ít di động trong đất do thành lập các hỗn hợp kim loại không hòa tan với các kim loại như sắt, nhôm và có khuynh hướng tích lũy, đặc biệt là ở những vườn cây có múi lâu năm. Vì vậy, cung cấp lân hàng năm thì không cần thiết đối với những vườn cây lâu năm (Devies và Albrigo, 1994).
Cây thiếu lân tốc độ sinh trưởng giảm, lá mỏng, màu xanh tối, những lá già hơn có thể ngã màu hồng. Lá thường nhỏ hơn bình thường và có thể rụng sớm, năng suất giảm. Trái có thể rụng nhiều trước khi chín, vỏ dày, sần sùi, trái ít nước, khô, chua, thô và thường rỗng ruột.
Bón phân lân cho những cây cam bị thiếu P có tác dụng giúp tán lá sinh trưởng tốt, cải thiện màu sắc lá, tăng số lượng cành mang trái, cải thiện phẩm chất trái và tăng được tỷ lệ trái tốt.
Đối với những cây còn non có bộ rễ phát triển ít, cần được bón một lượng lớn phân lân dễ tiêu. Cần tránh hiện tượng thừa lân vì sự tích lũy lân lớn có thể làm giảm mức dễ tiêu của kẽm (Zn) và đồng (Cu) đến mức có thể gây ra triệu chứng thiếu hụt hai nguyên tố này. Thừa lân làm giảm việc sử dụng đạm, làm đạm bị mất cân đối.
Cây hấp thu kali dưới dạng ion K+. Kali hòa tan trong dịch bào, tham gia trong các phản ứng tạo carbohydrate trong các phản ứng quang hợp. Trong trường hợp cây hấp thu đạm ở dạng NH4+, nếu thiếu kali sẽ đưa đến việc tích tụ nhiều NH4+ gây độc cho cây, vì quá trình thành lập amino acid không xảy ra.
Kali là một nguyên tô có đặc tính di động cao và có khả năng tái phân phối ở những vùng sinh trưởng. Khi thiếu kali thì kali ở những mô già có thể chuyển vị đến mô non. Kali cần thiết cho sự cân bằng ion trong tế bào, cho sự phát triển kích thước trái và điều hòa độ dày của vỏ trái.
Tuy nhiên, kali có hiệu quả ý nghĩa trên phẩm chất trái. Kali trong lá thấp dẫn đến trái nhỏ và vỏ mỏng. Sử dụng kali dư thừa làm trái lớn có vỏ dày. Tỉ lệ K2O và N cho cây có múi sẽ tạo cho trái có vỏ dày hoặc mỏng. Ví dụ: tỉ lệ 1: 1 (N:K2O) tạo cho trái cỏ vỏ dày trong khi tỉ lệ 1:0,5 N/K2O tạo cho trái có vỏ mỏng (Chi cục BVTV Tiền Giang, 2006). Nhu cầu kali cao nhất vào lúc cây ra trái và trái lớn. Khi bón ít kali, trái nhỏ, ảnh hưởng đến năng suất.
Triệu chứng thừa kali tạo ra sự thiếu magnesium. Điều này là do hai khoáng đối lập nhau và mức độ cao của kali có thể làm giảm sự hấp thu bình thường của magnesium. Thừa kali làm vỏ trái thô và nhiều acid.
Thiếu kali làm trái nhỏ, vỏ mỏng, dễ rụng; lá quăn nhỏ, trở nên dai, mất diệp lục, rụng hàng loạt sau khi ra hoa, chồi bị ‘thui’, quả nhỏ, tỷ lệ kali trong lá thấp đồng thời tỷ lệ calcium và magnesium tương đối cao. Cung cấp kali vào giai đoạn sắp thu hoạch còn giúp trái chín nhanh và màu sắc đẹp hơn.
Thiếu kali thường xảy ra trên đất có đá vôi do sự đối kháng nguyên tố. Trên chanh, lá cháy đỏ đồng xuất hiện gần chóp lá trong khi phần bên dưới lá mất màu sắc. Màu vàng ở lá thiếu kali thay đổi theo mùa từ vàng đỏ thường gặp vào mùa xuân sang màu vàng vào cuối mùa hè.
PHÒNG KỸ THUẬT - CÔNG TY TNHH SITTO VIỆT NAM
Đăng vào 11/20/2023 2:05:18 PM