Khi thiếu Magnesium quá trình tổng hợp diệp lục bị ảnh hưởng dẫn đến ức chế quá trình đồng hóa CO2 ở lá, lá có màu trắng chuyển thành vàng, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm.
Triệu chứng thiếu Magnesium thường xuất hiện do một trong những điều kiện sau: (1) Đất có tỷ lệ Magnesium thấp; (2) Bón thừa kali hay đất có tỷ lệ kali cao gây hiện tượng thiếu Magnesium do kali.
Biểu hiện đầu tiên của tình trạng thiếu Magnesium là có những đám màu vàng rời rạc ở cả hai bên gân chính, trên những lá trưởng thành trong mùa mưa. Những đám màu vàng ngày càng lớn và hợp lại với nhau, chỉ còn ở phần cuống lá và đôi khi ở gần ngọn lá còn xanh (ở gần cuống lá có một phần màu xanh hình chữ V ngược), cuối cùng toàn bộ lá có thể bị ngã vàng. Triệu chứng thiếu Magnesium có thể chỉ xuất hiện trên một cành lớn hoặc một phần cây, trong khi phần cây còn lại có thể vẫn bình thường. Thiếu Magnesium cây rụng trái nhiều, chịu lạnh kém, cây ra quả cách năm rõ rệt. Kích thước trái của cây thiếu Magnesium thường nhỏ, hàm lượng đường và acid thấp.
Ở đất chua có thể dùng đá dolomit để cung cấp magnesium cho cây, còn ở đất ít chua thì có thể dùng MgSO4 hay Mg(NO3)2 nồng độ 1% và phun lê lá.
Phần lớn calcium trong đất ở dạng khó tan, cây hấp thụ khó. Cây dễ hấp thụ calcium ở dạng cacbonat calcium (CaCO3), dolomit (CaMg(CO3)2), phosphate calcium (CaHPO4, Ca4H(PO4)3.3H2O và apatit. Trong đất thường xảy ra phản ứng giữa CO2 và CaCO3 trong dung dịch.
Trong cây, canxi có tác động như một chất gải độc, trung hòa hoặc kết tủa một vài acid hữu cơ vốn bị tăng do hoạt động trao đổi chất trong cây.
Calcium trong tế bào chất dễ liên kết với một protein nhỏ, hòa tan, gọi là calmodulin. Sự liên kết này hoạt hóa calmodulin, sau đó nó sẽ hoạt hóa nhiều enzymes khác. Calcium là một chất rất ít di chuyển bên trong cây đến các cơ quan non như là chồi non. Calcium được hấp thu dưới dạng ion hóa trị hai (Ca2+). Cây hấp thu calcium và sau đó sẽ cố định ở các muối calcium như pectat calcium, oxalat calcium. Calcium hiện diện ở vách tế bào hay ở dạng các tinh thể không hòa tan. Trong nguyên sinh chất hay trong dịch bào, ion calcium hiện diện như là thành phần của dịch bào. Calcium cần thiết cho quá trình phân cắt của tế bào nhất là mô phân sinh. Calcium còn có vai trò trong quá trình biến dưỡng đạm của thực vật. Calcium còn tham gia trong 1 số enzyme như amylase, protease, hay kích thích sự hoạt động của enzyme khác. Calcium còn ảnh hưởng đến hoạt tính của nguyên sinh chất như làm giảm hoạt tính của nguyên sinh chất.
Calcium có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sinh trưởng của rễ cây và triệu chứng đầu tiên của tình trạng thiếu calcium nghiêm trọng là bộ rễ bị hư.
Triệu chứng thiếu hụt ít thể hiện vì hầu như trong đất rất ít khi thiếu calcium. Sự thiếu calcium ở cây có múi tạo ra lá nhỏ và dầy, gây ra mất sức sống và giảm năng suất. Cây thiếu trầm trọng có thể phát triển chết cành non. Trái phát triển kích thước bất thường, thịt trái co lại, ít nước dịch, nhưng cao hàm lượng chất rắn hòa tan, nứt vỏ trái. Thiếu calcium thường xuất hiện ở đất acid hoặc sử dụng phân dạng đạm sulphate như ammonium sulphate [(NH4)2SO4]. Trái của các vườn cây có múi có hàm lượng calcium và đạm thấp thường dễ bị thối sau ba tháng tồn trữ .
Lưu huỳnh (S) hiện diện đầy đủ trong hầu hết các loại đất, thường ít thấy cây thiếu lưu huỳnh. Lưu huỳnh trong đất ở dạng anhydrit (CaSO4) và Gips (CaSO4.2H2¬O) phổ biến là ở dạng sunfat, FeS2 (pirit) và FeS là dạng sulfit của đất. Lưu huỳnh trong đất còn có dạng liên kết hữu cơ, đặc biệt ở đất giàu mùn.
Lưu huỳnh là thành phần của cystein, cystine, methionine, lipoic acid, coenzyme A, thiamine pyrophosphate, glutation, biotin, adenosine – 5 - phosphate và 3 – phosphoadenosine. Coenzyme A là một hợp chất thiết yếu cho hô hấp, cho sự tổng hợp và sự phân nhỏ các acid béo. Lưu huỳnh được cây hấp thu từ đất ở dạng ion sulphate (SO42-). Hầu hết sulphate được vận chuyển lên thân trong mạch gỗ. Lưu huỳnh cũng có thể được hấp thu qua lá thông qua khí khổng ở dạng khí sulfur dioxide. Sulfur dioxide được chuyển hóa thành bisulfite (HSO3-) khi nó phản ứng với nước trong tế bào và ở dạng này nó vừa ức chế sự quang tổng hợp, đồng thời gây ra sự hủy hoại chlorophyll.
Triệu chứng thiếu lưu huỳnh (S): vì S liên quan đến sự thành lập protein và diệp lục, triệu chứng thiếu lưu huỳnh giống với triệu chứng thiếu đạm. Cây còi cọc, lá xanh nhạt chuyển sang vàng. Bệnh vàng úa ở cây có múi do thiếu lưu huỳnh thì sự sinh trưởng kém, bởi vì lưu huỳnh không di chuyển từ lá già sang lá non như đạm. Thiếu lưu huỳnh hầu như xảy ra với mức độ phân đạm cao.
(còn tiếp)
ThS. Phan Thúc Định
Công Ty TNHH Sitto Việt Nam
Đăng vào 11/17/2023 4:46:50 PM