Chuẩn bị ao là một trong những khâu quan trọng tác động đến thành quả của cả vụ nuôi. Mục đích chính là loại bỏ chất thải và sinh vật gây hại, tạo môi trường tốt cho tôm.
Nên nuôi tôm ở vùng trung triều để dễ tháo cạn và phơi đáy ao khi cải tạo. Không nên nuôi ở vùng hạ triều vì rất khó khăn cho việc thay nước và quản lý chất lượng nước ao nuôi.
Đất được chia thành các loại như đất phèn, đất trung tính và đất kiềm, các vùng đất ven biển thường là đất phèn chứa nhiều pirit sắt khi gặp ôxy sẽ bị ôxy hóa cho ra axit sunfuric, làm đất chua, loại đất này có nhiều vạch đất vàng nhạt và độ pH ≤ 4. Vì vậy, nếu nuôi tôm trên ao này hay có váng màu vàng nổi lên, khi tháo cạn nước thì mặt đất có màu đỏ nên đất này không thuận lợi để nuôi tôm. Tuy nhiên, trong trường hợp bất khả kháng, vẫn có phương pháp thiết kế ao và xử lý đất để hạn chế nhược điểm của đất phèn.
Xây dựng ao lắng thường bằng 20 - 25% diện tích ao nuôi để làm trong nước trước khi bơm nước vào ao nuôi. Nên xây ao nuôi có diện tích nên từ 0,5 - 1 ha, những ao có diện tích nhỏ thì nước ao dễ bị biến đổi theo điều kiện nuôi, ao có diện tích quá lớn thì gây khó cho việc chăm sóc và quản lý ao. Ao có dạng tròn hoặc vuông, độ sâu 1 - 1,5 m, trung bình 0,8 - 1,2 m, độ dốc từ cống đến đáy cuối ao 2%.
Tiến hành xả lượng nước vừa đủ để rửa sạch các hợp chất kim loại (Al, Fe, Mg,...) dưới đáy ao nuôi. Tốt nhất nên rửa đi rửa lại nhiều lần để làm sạch tối đa. Sau quá trình làm sạch đáy, cần phơi khô đáy ao khảng 4 – 5 ngày (trời có nắng) để đất nứt ra. Sau đó, sử dụng vôi bột CaO rải đều khắp nền đáy ao và bờ ao với hàm lượng khoảng từ 5 - 10 kg/100 m2 để tăng cường hệ đệm và ổn định độ pH cho ao nuôi. Tiếp tục phơi đáy ao từ 5 - 7 ngày trước khi xả nước vào ao nuôi. Rào lưới xung quanh ao nuôi để ngăn chặn thiên địch có hại cho ao nuôi.
Lắp đặt quạt khí hoặc sục khí trong ao nuôi, đây là khâu rất quan trọng liên quan đến tỷ lệ sống và năng suất tôm nuôi. Căn cứ vào nuôi TTCT hay tôm sú mà lắp đặt loại quạt nước phù hợp. Một dàn quạt (15 cánh) có thể cung cấp đủ ôxy cho 400 kg tôm trong ao, quạt lông nhím thì đủ ôxy cho 600 kg tôm.
Để bắt đầu cho vụ nuôi mới, đối với ao nuôi cũ, nên tháo dỡ dàn quạt nước, hệ thống sục khí sau đó phơi khô hoàn toàn và bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát.
Rút hết nước ao nuôi và loại bỏ chất thải, bùn đáy ao ra ngoài. Bùn đáy phải được bơm vào ao chứa bùn, tránh bơm trực tiếp ra môi trường. Phơi khô đáy ao khoảng 10 - 15 ngày. Gia cố lại bờ ao, cống ao để hạn chế nước bị rò rỉ.
Sau khi kết thúc vụ nuôi phải dùng bơm cao áp xịt rửa toàn bộ bề mặt bạt. Sau đó dùng Chlorine 5% vệ sinh bề mặt và phơi bạt tối thiểu 5 ngày mới được dẫn nước vào ao. Bên cạnh việc vệ sinh bề mặt bạt thì cần vệ sinh các thiết bị, hố xiphong và vá lại các lỗ thủng từ các vụ nuôi trước.
Nên tiến hành cải tạo ao kỹ hơn. Tháo cạn nước, sử dụng BKC hoặc Chlorine để diệt hết khuẩn, giáp xác và mầm bệnh trong ao nuôi.
Kiểm tra lại toàn bộ bạt phủ bờ, hệ thống lưới rào quanh ao, nếu có hư hỏng phải tiến hành sửa chữa khắc phục ngay khi vào vụ mới. Kiểm tra máy bơm, đường ống cấp thoát nước, vệ sinh quạt sục khí một cách kỹ càng và hoạt động tốt nhất khi vào vụ mới.
Gây màu nước giúp phát triển vi sinh vật phù du, ổn định môi trường nước, tạo môi trường thuận lợi hạn chế tôm bị sốc, tăng tỷ lệ sống. Hai ngày sau khi cấp nước vào ao nuôi, cần tiến hành gây màu nước bằng cách sau: Dùng mật rỉ đường + thức ăn số 0 + men vi sinh, sục khí khoảng 8 - 10 tiếng, sau đó tạt xuống ao vào lúc 8 giờ sáng, chạy sục khí. Lượng men vi sinh tùy theo yêu cầu của nhà sản xuất.
Sau khi sử dụng chế phẩm vi sinh 2 - 3 ngày liên tục, quan sát nước có màu nâu nhạt (màu trà), độ trong 40 cm là nước đã sẵn sàng để thả tôm giống. Kiểm tra và điều chỉnh các yếu tố môi trường nước ao nuôi đảm bảo trong ngưỡng thích hợp trước khi thả giống.
PHÒNG KỸ THUẬT – CÔNG TY TNHH SITTO VIỆT NAM
Đăng vào 11/23/2023 10:11:18 AM