(Thủy sản Việt Nam) - Copepoda (Oithona rigida) là giáp xác cỡ nhỏ hàm lượng dinh dưỡng cao, được dùng làm thức ăn tươi sống phục vụ ương nuôi cá biển. Nghiên cứu này nhằm tìm ra loài tảo làm thức ăn phù hợp để ứng dụng trong nuôi sinh khối Copepoda.
Hiện nay, trong các cơ sở sản xuất giống hải sản ở nước ta, tỷ lệ sống ương cá biển từ bột lên giống vẫn còn thấp. Nhiều nghiên cứu đã kết luận rằng do nhu cầu dinh dưỡng của ấu trùng cá biển lớn mà việc cung cấp thức ăn không đủ dinh dưỡng là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ sống thấp và chất lượng con giống chưa tốt. Để nâng cao hàm lượng dinh dưỡng trong thức ăn truyền thống là Rotifer và Artemia, các trại giống đã dùng các chất giàu vitamin và các axít béo (Selco, Aquaran, Packboot, Algamax...) để cường hóa hai loại thức ăn này nhưng chất lượng vẫn kém xa Copepoda. Vậy Copepoda là động vật phù du duy nhất có thể làm thức ăn đủ dinh dưỡng, nâng cao tỷ lệ sống và chất lượng con giống cá biển mà không cần cường hóa do nó chứa hàm lượng DHA và HUFA rất cao.
Nghiên cứu tập trung vào ảnh hưởng của các loại tảo đơn bào Nanochloropsis ocullata(Nano), Isochrysis galbana(Iso) và Chaetoceros calcitrans(Chaeto) làm thức ăn đối với sự tăng trưởng của Copepoda, nhằm tìm ra loài tảo làm thức ăn thích hợp giúp việc nuôi sinh khối Copepoda được thuận lợi.
Xem thêm: Quản lý tảo độc trong ao nuôi tôm
Địa điểm thực hiện tại trạm nghiên cứu thủy sản nước lợ - Trung tâm Quốc gia Giống Hải sản miền Bắc, thời gian từ tháng 2 đến tháng 6.
Thí nghiệm được bố trí trong hệ thống tuần hoàn có mái che với nhiệt độ ở 27 ± 30C, độ mặn 20‰, sục khí nhẹ và cường độ ánh sáng 2.500 lux (12 giờ sáng và 12 giờ tối) trong các bể composite 250 lít với mật độ thảCopepoda ban đầu là 100 cá thể/lít (ct/l). Nước thay 1 lần/ngày mỗi lần thay 15 - 20% thông qua lọc tuần hoàn. Thí nghiệm được chia làm 4 thí nghiệm, tương ứng với 3 loại tảo Nano, Iso, Chaeto và hỗn hợp 3 loài tảo trên với tỉ lệ 1:1:1 được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên với 3 lần lặp lại, Copepoda được cho ăn thỏa mãn hàng ngày.
Xem thêm: 4 Nguyên nhân khiến tôm bỏ ăn, giảm ăn, ăn yếu
Trong 20 ngày nuôi, Copepoda được cho ăn hỗn hợp tảo có quần thể phát triển tốt nhất với 2 chu kỳ phát triển rõ rệt ở ngày thứ 10 - 12 đạt 1.684 + 142 ct/l và ngày thứ 18 đạt 2.015 + 182 ct/l. Mật độ Copepoda được định lượng 2 ngày/lần bằng buồng đếm Bogorov ở các giai đoạn: Nauplius, Copepodite và Copepoda trưởng thành. Mẫu sau khi cố định bằng dung dịch Lugol, được đếm 3 lần lặp lại, mỗi lần 10 ml, sau đó lấy mật độ trung bình của 3 lần đếm.
Xác định tốc độ tăng trưởng đặc thù, các yếu tố thủy lý hóa: Nhiệt độ và pH được đo 2 lần/ngày, NO3-, NO2-được thu 2 ngày/lần bằng test ngay tại bể thí nghiệm. Các số liệu được xử lý bằng chương trình Exel và so sánh thống kê bằng phương pháp phân tích ANOVA với phần mềm Statistica 6.0.
Thí nghiệm được tiến hành trong thời gian 20 ngày, cho thấy pH 7,6; nhiệt độ 27,50C; độ mặn 20,5‰; NO2-(0,39 mg/l); NO3- (0,7mg/l) ở các bể thí nghiệm nằm trong khoảng thích hợp cho tăng trưởng của Copepoda và khác biệt không có ý nghĩa thống kê giữa các thí nghiệm. Trong các thí nghiệm thì Copepoda trong thí nghiệm cho ăn tảo hỗn hợp có chu kỳ phát triển nhanh hơn về cả mật độ và thời gian so với 3 thí nghiệm ở các loài tảo Nano, Iso, Chaeto. Quần thể phát triển nhanh nhất sau 8 ngày (1.354 ± 237 ct/l) và sau 18 ngày (2.015 ± 132 ct/l) và khác biệt có ý nghĩa thống kê (P < 0,05) so với các thí nghiệm khác. Như vậy, tốc độ tăng trưởng đặc thù của quần thể Copepoda cao nhất cũng được ghi nhận ở thí nghiệm cho ăn tảo hỗn hợp với mức 25%/ngày và thấp nhất ở thí nghiệm tảo Nano ở mức 12%/ngày.
Xem thêm: Biện pháp phòng ngừa hiện tượng tôm lột chết
Trong các loại tảo khi sử dụng riêng lẻ làm thức ăn cho Copepoda thì tảo Chaeto cho kết quả cao nhất sau đó đến tảo Iso và tảo Nano thấp nhất. Mật độ Copepoda trung bình đạt được sau 20 ngày nuôi lần lượt là 1.250 ± 37, 1.092 ± 36 và 904 ± 40 ct/lít. Tốc độ tăng trưởng đặc thù cao nhất là 25% và thấp nhất là 12 %.
Hỗn hợp tảo gồm Chaeto, Iso và Nano với tỉ lệ 1:1:1 là khẩu phần thức ăn tốt nhất cho tăng trưởng củaCopepoda so với khẩu phần riêng lẻ của từng loài tảo. Khi cho ăn hỗn hợp tảo, Copepoda phát triển với 2 chu kỳ rõ rệt ở ngày thứ 12 với mật độ 43.367 ± 9.360 ct/l và ngày thứ 20 với 60.667 ± 12.822 ct/l, và tốc độ tăng trưởng đặc thù cao nhất, 25%/ngày.
Đây là nghiên cứu bước đầu về nuôi sinh khối Copepoda phục vụ ương ấu trùng cá biển, mục đích nhằm thay thế Rotifer và Artemia trong giai đoạn đầu, đồng thời nâng tỷ lệ sống và giảm giá thành con giống cá giò, cá song, cá hồng mỹ.
Do chưa có những nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực này, nên cần có những nghiên cứu tiếp theo về thành phần dinh dưỡng, bảo quản và lưu giữ giống Copepoda để có thể chủ động trong việc cung cấp giống Copepodacho các cơ sở sản xuất giống cá biển. Đồng thời, các vấn đề về nguồn bệnh khi sử dụng Copepoda thu từ ao để ương cá biển cũng cần được quan tâm nghiên cứu.
>> Trứng Copepoda sau khi thụ tinh được chuyển vào túi trứng của con cái và nở thành ấu trùng Nauplii. Ấu trùng phát triển qua 6 lần lột xác (N1 - N6) sau đó chuyển sang giai đoạn Copepodite vàCopepoda trưởng thành. Phần lớn ấu trùng bắt đầu sử dụng tảo làm thức ăn ở giai đoạn N3 và N4.
Ks. Nguyễn Trung Thành
TT Giống Hải sản Quốc gia miền Bắc - Viện Nghiên cứu NTTS
Xem thêm:
Đăng vào 25/12/2023 11:19:53 SA