Những lưu ý khi sử dụng thức ăn cho tôm để tôm tăng trưởng tốt
  • Đăng vào 23/11/2023 11:14:33 SA

Những lưu ý khi sử dụng thức ăn cho tôm để tôm tăng trưởng tốt

Lưu ý khi sử dụng thức ăn cho tôm

Thức ăn đóng vai trò quan trọng đến sự phát triển của tôm. Do đó, việc sử dụng thức ăn cho tôm chất lượng tốt và quản lý phù hợp góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi.

Lựa chọn thức ăn cho tôm

Thông thường thức ăn công nghiệp cho tôm đảm bảo chất lượng có những đặc tính sau:

  • Thức ăn cho tôm sú có hàm lượng protein từ 40 - 45%, hàm lượng chất béo thô: 4 - 6%, tỷ lệ canxi/phốt pho: 1:1,5 và chứa một số chất khoáng, axit amin... cần thiết khác.
  • Thức ăn cho TÔM THẺ CHÂN TRẮNG cũng cần đảm bảo các yêu cầu như trên, tuy nhiên nhu cầu hàm lượng protein của TÔM THẺ CHÂN TRẮNG từ 35 - 40% thấp hơn tôm sú và tỷ lệ canxi/phốt pho là 1:1.

 
Hiện nay thức ăn TÔM THẺ CHÂN TRẮNG trên thị trường là rất đa dạng về nhãn hiệu, thành phần, công thức... Người nuôi cần lựa chọn thức ăn phù hợp với nhu cầu của tôm nuôi cũng như các tiêu chí cụ thể của từng trại nuôi. Khi lựa chọn thức ăn, cần chú ý những vấn đề cơ bản sau:

  • Công thức dinh dưỡng chuyên biệt đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng của tôm ở từng giai đoạn phát triển.
  • Thức ăn phải đồng đều về kích thước, hình dạng và màu sắc; vết cắt sắc gọn; ít bụi và bề mặt mịn, kích thước viên phải phù hợp với kích thước miệng tôm.
  • Mùi vị và tính hấp dẫn của thức ăn. Thức ăn có mùi thơm đặc trưng và kích thích tôm bắt mồi, có thể cải thiện hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) cũng như tốc độ tăng trưởng của tôm.
  • Thức ăn phải đủ độ ổn định sau khi tiếp xúc với nước để hạn chế việc mất chất dinh dưỡng và lãng phí thức ăn, đồng thời giảm ô nhiễm môi trường nước nuôi. Độ bền trong nước ít nhất 3 giờ cũng sẽ kích thích khả năng bắt mồi và giúp tôm sử dụng thức ăn hiệu quả hơn.
  • Lựa chọn thức ăn có tăng cường các chất bổ sung (vitamin, enzyme, khoáng chất, các chất kích thích miễn dịch...) để các chất cải thiện khả năng tiêu hóa và tăng cường khả năng chống chịu bệnh cho tôm.

 
Kiểm soát thức ăn cho tôm

  • Không nên cho tôm ăn quá no
  • Tôm nuôi nước lợ thường có tập tính “háu ăn” (đặc biệt đối với TÔM THẺ CHÂN TRẮNG). Trong khi người nuôi thường có thói quen sẽ tăng lượng thức ăn ở những lần sau nếu kiểm tra sàng ăn hết thức ăn.
  • Cách làm này vô tình tạo ra lượng thức ăn dư thừa trong ao nuôi và phát sinh nhiều khó khăn trong việc khắc phục môi trường cho ao nuôi. Do đó, nên cho ăn “thiếu” hơn lượng thức ăn đã định, có thể không cho ăn vào những ngày thời tiết không thuận lợi.
  • Hơn nữa, khi nuôi tôm từ tháng thứ 3, trong ao nuôi vẫn tồn tại một lượng thức ăn tự nhiên mà tôm có thể tận dụng được. Khi tôm chủ động đi kiếm mồi sẽ giúp chúng tiêu hóa thức ăn tốt hơn.

Sử dụng sàng ăn

  • Từ ngày nuôi 25 trở về sau nên kiểm tra sàng để bổ sung lượng thức ăn cho phù hợp (có thể bỏ vào sàng 3 g/kg thức ăn).
  • Sau khoảng 2 giờ đồng hồ tiến hành kiểm tra sàng để điều chỉnh tăng lên hoặc giảm xuống cho phù hợp.
  • Khi sàng hết thức ăn có thể tăng lên lên 0,3 - 0,5 kg/lần (tôm sú), 0,5 - 1 kg/lần (TÔM THẺ CHÂN TRẮNG).

 
Tham khảo bảng hướng dẫn cho ăn

  • Thông thường các công ty sản xuất thức ăn cho tôm đều căn cứ vào nhu cầu dinh dưỡng (về protein, chất béo, chất xơ, canxi, phốt pho...) để sản xuất thức ăn phù hợp giúp tôm sinh trưởng và phát triển tốt. Bảng hướng dẫn cho ăn giúp người nuôi có được cái nhìn tổng quan về nhu cầu thức ăn và tốc độ tăng trưởng của tôm, từ đó định lượng thức ăn cho phù hợp.
  • Người nuôi nên điều chỉnh thức ăn dựa vào bảng hướng dẫn cho ăn, sức ăn của tôm và môi trường nước... Lượng thức ăn hợp lý nên bằng 80 - 90% so với bảng hướng dẫn cho ăn. Riêng đối với TÔM THẺ CHÂN TRẮNG nên cho ăn 4 lần/ngày và lần cuối vào lúc 18 - 20 giờ.
  • Sử dụng quạt nước trước khi cho ăn
  • Cách làm này giúp tạo dòng chảy, cung cấp hàm lượng ôxy cho ao, kích thích tôm bắt mồi. Trong tháng đầu tiên, người nuôi nên dừng quạt nước trong khi cho tôm ăn.
  • Sau một tháng nuôi nên duy trì quạt nước trước 30 phút, sau đó tắt quạt rồi cho tôm ăn, đặc biệt trường hợp nước trong (không hay ít có tảo) hoặc đục (nhiều chất rắn lơ lửng) hoặc trong ngày có nhiều mây mù.

 
Quan tâm các yếu tố môi trường

  • Thời gian mà thức ăn nằm trong ruột tôm sẽ thay đổi theo nhiệt độ nước ao. Khi nhiệt độ nước tăng cao, tôm sẽ ăn nhanh hơn và cũng sẽ bài tiết nhanh hơn so với nhiệt độ thấp. Nhiệt độ nước thích hợp nhất cho tôm là 28 - 30oC.
  • Mỗi khi nhiệt độ giảm đi khoảng 2oC thì lượng thức ăn nên giảm khoảng 30% so với lượng thức ăn trung bình. Do đó, vào những ngày thời tiết âm u, sắp mưa nên chủ động giảm lượng thức ăn cho tôm.

Ngoài ra, hàm lượng ôxy hòa tan cũng ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa thức ăn của tôm. Ôxy hòa tan thích hợp ≥ 4 ppm, tôm giảm ăn khi hàm lượng ôxy hòa tan thấp hơn 4 ppm và ngưng ăn khi thấp hơn 2 ppm.

PHÒNG KỸ THUẬT – CÔNG TY TNHH SITTO VIỆT NAM
Nguồn: Contom

Xem thêm:

 

Chia Sẻ Kiến Thức Này: Chia sẻ

Bài viết liên quan

Xin chào Anh/Chị. Em là trợ lý ảo của Sitto Việt Nam. Em có thể hỗ trợ Anh/Chị giải đáp các dịch vụ nào dưới đây:
Trợ lý ảo SITTO - VIET NAM
Bạn cần trợ giúp? Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ